Căn phòng nhỏ rộng chưa đến 30 mét vuông là lớp học đầy ắp tình thương của cô và trò.
Tại lớp học này, giáo viên là những cô giáo đã về hưu nhưng vẫn đầy nhiệt huyết, học trò là những cô cậu bé mang gánh nặng bệnh tật nhưng luôn hồn nhiên vui tươi dù không biết ngày mai còn đủ sức đến lớp hay không.
Truyền dịch, truyền kiến thức
Đúng 14 giờ, mỗi chiều thứ sáu từ năm 2009 cho đến nay, dù không có tiếng trống trường hay chuông báo, nhiều bệnh nhi đang nằm chữa trị dài hạn ở bệnh viện nhanh chóng bước vào phòng học chung.
Các cô và các bạn tình nguyện viên đã sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị tập vở để các em bắt đầu buổi học.
Học viên là những cô cậu bé có đôi mắt sáng, không may mắc phải các chứng ung thư quái ác.
Có bạn không còn sợi tóc nào do quá trình hóa trị, có bạn tay chân yếu không thể đứng vững hay cầm bút, một vài bạn khác thì khó tập trung, đôi khi còn gây rối do không tự kiểm soát được bản thân.
Những bạn nhỏ còn khỏe thì tự đến lớp, có bạn sức khỏe yếu được cha mẹ cõng đến. Ngồi học trong lớp, tay phải cầm bút, tay trái được tiêm ống dẫn dịch từ bình truyền treo lủng lẳng ngay bên cạnh.
Trong giờ học văn hóa, các bệnh nhi được học môn Toán và Tiếng Việt. Các bạn ở lớp này trải rộng từ lớp 1 đến lớp 9.
Trên chiếc bàn ở góc lớp là một chồng tập vở rất dày, chứa toàn bộ tập viết và sách học của hơn 300 “cựu học sinh”. Trong số đó, chỉ có ít bạn may mắn được về nhà chữa trị và tiếp tục học tập ở trường, nhiều bạn kém may mắn hơn khi ước mơ tới lớp đành dở dang.
Hoàn thành giờ học chữ, các tình nguyện viên bắt đầu xếp bàn ghế, tạo không gian rộng cho các bạn bắt đầu học hát, nhảy múa. Những bài ca thiếu nhi vui nhộn giúp các bạn quên đi mệt mỏi do bệnh tật, cùng nhau sinh hoạt hòa đồng.
“Chừng nào còn khỏe thì tôi còn đến lớp”
Lớp học đặc biệt này là một nỗ lực chăm sóc tinh thần cho các bệnh nhi ung thư, thuộc chương trình “Ước mơ của Thúy”, được phụ trách bởi cô giáo Đinh Thị Kim Phấn.
Trước đây cô Phấn thường tham gia các hoạt động tình nguyện ở bệnh viện rồi dần dần bén duyên với lớp học, trở thành giáo viên phụ trách chính ở đây.
Giáo viên ở lớp học này đều là những cô giáo về hưu, với tình yêu thương trẻ mà sẵn sàng tình nguyện dạy học ở đây trong suốt nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cũng đến đây để làm tình nguyện. Thời gian đầu các bạn làm việc để lấy điểm rèn luyện ở trường, nhưng giờ đây các bạn đến với lớp học bằng tấm lòng chân thành, vì yêu thương trẻ.
Cô Phấn chia sẻ, “Cô có thể nhớ gần hết những học sinh đã theo học tại lớp, rất nhiều em đã không còn học ở đây, nhưng cô vẫn lưu trữ lại tập sách và hình ảnh của các em ngày còn theo học.”
“Trong số những em ở đây, có khoảng 30% đã được điều trị khỏi bệnh và trở về nhà tiếp tục học tập. Các em tuy học trễ hơn so với độ tuổi nhưng nhờ siêng năng mà đạt được thành tích cao. Song, đáng buồn là có những em không qua khỏi, vĩnh viễn không thể tiếp tục đi học.
Nhớ những ngày đầu tiên mở lớp, nhìn thấy những đứa trẻ đầu không còn tóc, tay chân đỏ ửng các vết kim tiêm chích, gương mặt xanh xao nhưng vẫn cầm vững bút trong tay để viết bài, hình ảnh đó luôn theo tôi trong suốt những năm đứng lớp và trở thành động lực to lớn để tôi duy trì lớp học này đến cùng. Chừng nào còn sức khỏe thì tôi còn đến lớp,” cô Phấn ngậm ngùi chia sẻ.
Cầm tay một bé gái đã từ lâu không được sở hữu mái tóc dài, cô giáo Loan nắn nót từng nét chữ để giúp em viết đẹp các chữ cái.
Chữ “k” với các nét cong xiên phức tạp, khiến đôi tay nhỏ của cô bé mỏi mệt. Người giáo viên kiên nhẫn dõi theo từng nét chữ và động viên mỗi khi học trò của mình có ý định bỏ cuộc.
“Đối với bất cứ học sinh nào trong lớp, tôi cũng xem như là con của mình ở nhà. Chừng nào còn đủ khả năng, tôi sẽ vẫn dạy dỗ các em tử tế. Tôi luôn cố gắng hết sức mình để dạy các em, tôi sợ thời gian không còn nhiều, điều này khiến cho lòng tôi day dứt.
Những ngày đầu tiên khi tham gia lớp học vào 5 năm trước, tôi nhận kèm cặp một cậu bé mắc ung thư não. Cậu bé gặp khó khăn trong việc nhận thức, chứ đừng nói là tiếp thu bài học, nhưng vẫn ham muốn được học hỏi để hiểu biết. Tôi dạy em được vài buổi thì biết tin em đã không còn trên cõi đời này,” cô Loan kể lại.
Những “chiến binh” quả cảm
Mỗi học sinh đến lớp đều mang trong mình những căn bệnh khác nhau và những hoàn cảnh cá biệt. Bước chân vào lớp, những tia sáng về một tương lai xa xôi và khát khao chinh phục tri thức khiến các em thân thiết nhau hơn.
Ngồi yên ở góc phòng, đánh vần ê a từng chữ cái, cậu bé Giang 8 tuổi đang cố gắng hoàn thành bài học tập đọc của mình.
Khi bắt gặp ống kính máy ảnh, em bé mở miệng cười thật tươi và chia sẻ ước mơ trở thành bác sĩ. “Con muốn lớn lên sẽ làm bác sĩ, vì làm bác sĩ mới có thể cứu được người bệnh như con.”
Cha mẹ của Giang từ Thanh Hóa chuyển vào Bình Dương để làm công nhân, gia đình vào Nam lập nghiệp chưa được bao lâu thì hay tin cậu con trai một mắc ung thư máu. Giang đã điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trong suốt hai năm qua.
Giờ đây khi đã bước sang 8 tuổi, cậu bé vẫn chưa thể đến trường như các bạn đồng trang lứa. Cha mẹ của bạn phải thay phiên nhau, vừa đi làm, vừa chăm sóc bạn trong những tháng ngày nằm viện.
Nét chữ được nắn nót bằng màu mực tím, lấm tấm vài vết lem, cô bé Hạnh 10 tuổi đang cố viết bức thư ngắn kể về nghề nghiệp mong muốn.
Trong lá thư được trình bày ngay ngắn, bạn ước mình sẽ trở thành một giáo viên để dạy học những người bạn kém may mắn khác như mình.
Chia sẻ về những kỷ niệm buồn vui trong suốt một thập niên đứng lớp, cô Phấn bồi hồi nhớ lại cậu bé Khương Đằng với chứng ung thư xương.
Những ngày đầu nhập viện và tham gia lớp học, Đằng vẫn còn đầy đủ tay chân, nhưng qua nhiều lần phẫu thuật, lần lượt tay chân của em bị cắt bỏ.
Đến cuối cùng, Đằng chỉ còn mỗi tay trái nhưng vẫn đến lớp đều đặn vào mỗi tuần để sinh hoạt với cô và các bạn.
“Tôi còn nhớ mãi một bài văn của em ấy, văn phong bình dị hiền hòa đúng như tính cách của người con Nam Bộ. Ước mơ của em chỉ đơn giản là một gia đình có cha có mẹ, em được đến trường đi học như bạn bè, đến tối cha mẹ đi làm đồng về, cả gia đình cùng nhau ăn cơm,” cô Phấn kể lại.
Cậu học trò quê Long An đó là một trong những “chiến binh” cừ khôi nhất từng theo học ở lớp. Hoàn cảnh nghiệt ngã cuốn trôi đi tất cả những gì thuộc về cậu, nhưng không vì thế mà cậu bé chịu buông xuôi mà đầu hàng.
Đằng đến lớp suốt hai năm liền. Cậu bé với gương mặt sáng ấp ủ bao hoài bão, rồi cũng đã ra đi vĩnh viễn trong sự tiếc thương của cô và trò.
“Các em ở lớp học này đều là những “chiến binh” quả cảm trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Suốt 10 năm qua, tôi đứng lớp với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, quãng thời gian này để lại trong tôi sự bình yên nơi tâm hồn. Giữa phố thị đông đúc với bao bộn bề lo toan, lòng tôi lại được nhẹ nhàng khi đến lớp dạy dỗ các em,” cô Phấn tâm sự.
Hôm nay, cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, các em học sinh tại lớp học đặc biệt này cũng được các cô tổ chức lễ khai giảng thật trang trọng và ý nghĩa để bắt đầu một hành trình mới.
Bài và ảnh bởi Quang Niên.
Bài được đăng lần đầu tại SaoStar.